Bọc túi nilon bảo vệ măng tre năng suất cao

Cũng như các loại nông sản khác, măng tre cũng có những loại sâu bệnh đặc trưng. Theo nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc đại học Lâm nghiệp đã phát hiện được 8 loài sâu hại măng thuộc 5 họ, 5 bộ. Căn cứ vào mức độ gây hại và mật độ của chúng đã xác định ra 5 loài sâu hại chính thuộc 2 nhóm là: Vòi voi và bọ xít. Trong đó 48,43% số măng tre bị phá hoại ở mức nghiêm trọng do các loài vòi voi.

Vật liệu bọc thích hợp là túi nilon trắng và xanh. Túi dài 1,6m-1,8m, đường kính miệng 20cm, đường kính đáy 30cm. Măng được chọn để bọc phải là măng mới nhú khỏi mặt đất từ 20 đến 30cm, chưa bị hại. Trong một khóm tại cùng thời điểm có thể có nhiều măng, do vậy cần xác định tỷ lệ măng hợp lý trong một bụi để bọc nhằm tạo điều kiện cho măng phát triển tốt nhất, đồng thời giảm chi phí bọc.
 

Các nhà nghiên cứu cho biết, trước khi bọc cần chặt bỏ cành nhánh phía trên măng trong độ cao 3m mọc cản hướng mọc của măng để tránh làm rách túi, đồng thời làm tăng độ thông thoáng cho măng phát triển và thuận lợi cho việc khai thác sau này. Khi măng cao khoảng 2,5-3,0m dùng sào để tháo bỏ túi ni lông.

Do quá trình măng mọc không đều nên phải thường xuyên kiểm tra (khoảng 5-7 ngày một lần), tháo túi ở măng đã cao trên 2,5m rồi bọc lại cho măng mới nhú khác. Điều đáng chú ý là trong mùa mưa, măng phát triển nhanh, do vậy cần tăng cường kiểm tra để thu túi và tránh để nước đọng lại trong túi.

Biện pháp bọc tui nilon bảo vệ măng nói trên bảo đảm hiệu quả kinh tế, phòng trừ tốt và bảo vệ môi trường. Khi áp dụng biện pháp này,  tỷ lệ măng bị hại giảm xuống rõ rệt, chỉ còn 6,67% măng bị hại. Bọc bảo vệ măng còn có thể làm cho giá trị kinh tế tăng gấp khoảng 2,67 lần so với không bọc.